Đường mòn Hồ Chí Minh - một kì tích vĩ đại của dân tộc ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

17/10/2023
Share:

Lịch sử hình thành

Sau Hiệp định Giơ ne vơ , nước ta bị chia cắt thành hai miền. Đứng trước tình hình hiện tại, đòi hỏi Đảng ta phải có quyết sách kịp thời: giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước.. Tháng 5 – 1959, thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại.

Để hoàn thành nhiệm vụ, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng quyết định biên chế bước đầu của Đoàn là 500 cán bộ chiến sĩ. Ngoài Đoàn bộ, Đoàn được tổ chức thành Tiểu đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận: Xây dựng kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm.

Ra đời tháng 5-1959, Đoàn được mang phiên hiệu 559 (đến ngày 12-9-1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định chính thức thành lập Đoàn 559). Con đường được mở đúng ngày sinh của Bác nên được mang tên đường Hồ Chí Minh.

 

  

Con đường của ý chí và tình đoàn kết hữu nghị

Trong 16 năm (1959-1975), những chiến sỹ bộ đội Trường Sơn đã không ngừng củng cố, mở rộng con đường, kết thành mạng lưới giao thông liên hoàn, thành “xương sống” ở bán đảo Đông Dương. Khi cuộc chiến kết thúc, tuyến chi viện chiến lượng này (cả Đông và Tây Trường Sơn) đã đi qua 20 tỉnh thuộc cả 3 nước, với 216 con đường, dài tổng cộng hơn 20.000 km tỏa ra các chiến trường cả ở Việt Nam, Lào và Campuchia, tạo nên một hệ thống liên hoàn bền vững.

Nhân dân các dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia trên tuyến đường hành lang đi qua đã tự nguyện dời bản, chuyển nhà, góp phần xây dựng, bảo vệ con đường trong suốt những năm chiến tranh.

Trong gần 6.000 ngày đêm, đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển hơn một triệu tấn hàng hóa vũ khí, hơn hai triệu lượt người cho các chiến trường, góp phần quyết định thực hiện thành công chiến lược: giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là công trình giao thông có ý nghĩa sống còn, là mạch máu nối liền hai miền Nam-Bắc.

 

Viết tiếp trang sử mới 

Đến nay, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 2.360km, Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh còn đi qua nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, Di tích Lam Kinh, Bến En, Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông, di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, Vườn Bạch Mã, Ngọc Linh, Km số O Tân Kỳ, Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn quê Bác, Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, Long Đại, Xuân Sơn, Hang Tám Cô, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Ngục Đăk Lây, Ngục Kon Tum..., đang góp phần tạo sự khởi sắc, thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần cho ngành du lịch phát triển.

Thể hiện rõ vai trò là con đường mang tính chiến lược trong phát triển, góp phần quan trọng bảo đảm chính trị, an ninh, phòng thủ biên giới. Bên cạnh đó, việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử của đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến cũng mang giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc, giáo dục và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của ông cha cho các thế hệ mai sau.

 

 

 

 

Tin liên quan