Trải qua mười năm dàn dựng và thực hiện, Tinh Hoa Bắc Bộ tự hào là sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam, khẳng định vị thế của một vở diễn văn hoá hàng đầu nhất định phải xem mỗi khi du khách đặt chân đến Hà Nội. Các yếu tố dân gian truyền thống được trình diễn theo một phong cách hiện đại và sáng tạo, mang đến cho người xem trải nghiệm đặc biệt và đáng nhớ về vùng châu thổ sông Hồng – trung tâm văn hóa của miền Bắc Việt Nam thời bấy giờ.
Thi Ca
“Lấy cảm hứng từ những vần thơ trong bài thơ “Thu Điếu” của Nguyễn Khuyến, bài dân ca “Tát nước đầu đình” và lời ru con Bắc Bộ, phân cảnh đầu tiên mở ra một không gian của làng quê Việt rất nhẹ nhàng và gần gũi. Hình ảnh các cô thiếu nữ bên ao sen, những anh trai tráng chòng ghẹo và màn đối đáp trai gái của tuổi trẻ khiến phần mở đầu thêm sôi nổi và đặc sắc. Cuộc sống của dân làng cũng gắn liền với những buổi cùng nhau lao động rộn rã, được thể hiện qua hình ảnh các ngư dân hừng hực khí thế trên sông. Lời ru con Bắc Bộ là một nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa dân gian và được khai thác qua hình ảnh người mẹ tần tảo cùng tiếng ru trong trẻo bên nôi. Đây cũng là cảnh khép lại phần 1 của vở diễn.
Cõi Phật
Phân cảnh tập trung nói về vị thiền sư Từ Đạo Hạnh – người đã sáng lập ra Chùa Thầy. Dân gian gọi ông là “Thầy” bởi có truyền thuyết kể lại rằng trước khi tu hành ông từng là một thầy lang, chuyên chữa bệnh cho những người dân nghèo khổ mà không lấy tiền. Ông còn dạy nhân dân cách trồng trọt và các trò chơi dân gian, điển hình là múa rối nước – nay đã trở thành một loại hình nghệ thuật đậm bản sắc văn hoá Việt. Phân cảnh với sự xuất hiện huyền ảo của vị thiền sư đáng kính giữa một vườn hoa sen lung linh sẽ để lại ấn tượng khó phai đối với người xem. Kết cảnh là hình ảnh đàn chuồn chuồn múa lượn nhưng được thể hiện bằng hiệu ứng đèn led và lazer hoà cùng tiếng nhạc được làm mới dựa trên bài dân ca Quan họ “Se chỉ luồn kim” mượt mà.
Hoài Cổ
Phân cảnh gợi nhớ hình ảnh hoàng thành Thăng Long xưa. Với cảnh mở đầu là hình ảnh các sĩ tử khăn gói lều chõng đi thi. Một phần quang cảnh trường thi xưa của Việt Nam được tái hiện lại trên sân khấu mặt nước rông hơn 4300m2. Truyền thống hiếu học, văn ôn võ luyện được thể hiện dưới nền nhạc hào hùng cùng sự kết hợp của ánh sáng hiện đại. Đây là phân cảnh giúp cho người xem hiểu thêm về lịch sử, những truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt.
Nhạc Họa
Lấy cảm hứng từ bài thơ Tranh Tố Nữ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, trên nền mặt hồ tối, 4 bức tứ bình tố nữ xuất hiện mờ ảo. Phân cảnh này sử dụng hiệu ứng 3D Mapping để tạo nên hình ảnh chân thực nhất trên mặt hồ cũng chính là sân khấu của vở diễn. 4 cô gái thể hiện các loại nhạc cụ khác nhau trong âm nhạc truyền thống Việt Nam bao gồm: Sáo, đàn tỳ bà, đàn nhị và đàn nguyệt. Đây là phân cảnh đẹp nhất khi đàn tiên nữ ùa vào sân khấu và thể hiện những điệu múa uyển chuyển trên mặt nước, cùng với đó khắc hoạ những tinh tuý của làng nghề tranh dân gian Bắc Bộ.
An Vui
Tín ngưỡng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến niềm tin và những hoạt động trong đời sống người dân. Và tín ngưỡng thờ Thánh mẫu đệ Tam và tín ngưỡng Đạo Mẫu – vị thánh cai quản các vùng nước non giúp cho nền nông nghiệp và đời sống nhân dân gặp nhiều thuận lợi. Đồng thời tái hiện lại cảnh ra đồng của người nông dân Việt. Gắn liền với nền văn mình lúa nước chính là hình ảnh những người nông dân cùng nhau ra đồng. Đôi tay thoăn thoắt gặt hái một mùa vụ bội thu. Tất cả sẽ được tái hiện đầy đủ từ âm thanh đến hình ảnh trên sân khấu của Tinh Hoa Bắc Bộ. Phân cảnh là sự lột tả chân thực nhất cuộc sống của những người nông dân chân lấm tay bùn mà chúng ta vẫn thường được gặp trong các bài ca dao của cha ông xưa kia.
Ngày Hội
Sau cuộc sống lao động thường ngày và tín ngưỡng đã được tái hiện đầy chân thực nhưng cũng rất sáng tạo ở 5 phần trước, đến phần 6 này, toàn bộ những hoạt động lễ hội và trò chơi dân gian sẽ được mang đến cho khán giả. Từ những làn điện Quan họ đối đáp nam nữ, các trò chơi dân gian mà thời nay hiếm mới thấy đến tục rước kiệu Song Loan, Song Đình đều được mang lên sân khấu THBB một cách sống động. Có lẽ phân cảnh ấn tượng và xúc động nhất vở diễn là lúc toàn bộ diễn viên cùng hướng về ngọn núi Chùa Thầy – được thắp sáng sau hình ảnh bông sen nở giữa không trung tượng trưng cho Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Bài hát “Người ơi người ở đừng về” cất lên vào cuối vở diễn vừa là lời chào, vừa là tình cảm mà toàn bộ dàn diễn viên cũng chính là những người dân nơi đây muốn gửi tới các vị khách.
Nguồn: Tinh Hoa Bắc Bộ